Skip to content Skip to navigation

Hội nghị tổng kết năm học 2015-2016, triển khai nhiệm vụ năm học 2016-2017

Hội nghị tổng kết năm học 2015-2016, triển khai nhiệm vụ năm học 2016-2017

Sáng nay (5/8), tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2015-2016, triển khai nhiệm vụ năm học 2016-2017. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và chỉ đạo hội nghị.

Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình; đại diện các ban Đảng TW; các ủy ban của Quốc hội; đại diện lãnh đạo một số Bộ, ngành và lãnh đạo các địa phương tại các điểm cẩu.

Toàn cảnh Hội nghị Tổng kết năm học 2015-2016 triển khai nhiệm vụ năm học 2016-2017

Năm học 2015-2016, ngành giáo dục, đào tạo đã nỗ lực thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ: Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quán triệt sâu sắc về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo khung pháp lý cho các hoạt động đổi mới;  Triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện theo hướng phát triển năng lực học sinh; tăng cường kiểm định chất lượng làm cơ sở để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; Rà soát, điều chỉnh việc thực hiện quy hoạch phát triển nhân lực đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng đội ngũ; Đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ và tăng cường các điều kiện để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non; Cơ cấu lại hệ thống trường đại học, cao đẳng để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực và chất lượng đào tạo; nhân rộng mô hình tự chủ đại học theo Nghị quyết 77 của Chính phủ; Phát triển chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động; Củng cố kết quả xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau biết chữ, nâng cao chất lượng giáo dục thường, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân; Hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, củng cố và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở;  Đổi mới cơ chế tài chính giáo dục và tăng nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất; rà soát, hoàn thiện chính sách hỗ trợ về giáo dục và đào tạo cho các địa bàn vùng khó khăn và đối tượng chính sách, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Tiếp tục triển khai đổi mới, năm học đã ghi nhận những chuyển biến trong việc đổi mới hoạt động dạy học, thi, kiểm tra, đánh giá các hoạt động giáo dục có chuyển biến tích cực, trong đó tập trung đổi mới mô hình dạy học theo hướng mở, chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Đa dạng hóa các hình thức, phương pháp dạy học, tăng cường hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông hiện hành, đồng thời làm tiền đề đổi mới chương trình giáo dục phổ thông theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Triển khai đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực người học. Kỳ thi THPT Quốc gia năm thứ hai được tổ chức với những diều chỉnh kịp thời so với năm trước đã nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng và ủng hộ tích cực của toàn xã hội.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, giáo dục, đào tạo năm học 2015-2016 vẫn còn những hạn chế, bất cập như: Công tác xây dựng và thực hiện chính sách còn nhiều bất cập; công tác quản lý và chỉ đạo, điều hành hiệu lực, hiệu quả chưa cao; Công tác quy hoạch hệ thống, phát triển đội ngũ, phân luồng học sinh, dạy và học ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện tự chủ, hội nhập quốc tế, phát triển cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế; Công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống chưa được quan tâm đúng mức, công tác truyền thông giáo dục chưa tốt. Đối với từng hạn chế, ngành giáo dục đã thẳng thắn nhìn nhận những nguyên nhân và rút ra bài học kinh nghiệm.

 6 bài học kinh nghiệm:

 1. Công tác quy hoạch, kế hoạch, xây dựng nhiệm vụ công tác

 2. Công tác lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo, điều hành

 3. Công tác truyền thông

 4. Giải quyết hài hòa bài toán giữa quy mô và chất lượng đào tạo

 5. Huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục

 6. Công tác phối hợp, thanh tra, kiểm tra, giám sát

Giáo dục và đào tạo bước vào năm học mới 2016-2017 với nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít thách thức. Đây sẽ là năm học tăng cường kỷ cương, nề nếp trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, trong đó giáo dục phổ thông chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức, trách nhiệm của công dân đối với xã hội, cộng đồng; giáo dục mầm non chú trọng việc chăm sóc, giáo dục trẻ. Giáo dục đại học và giáo dục chuyên nghiệp chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, giảm tỷ lệ thất nghiệp.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội nghị

9 nhiệm vụ được đặt ra cho giáo dục trong năm học mới, đó là: Rà soát, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục trong toàn quốc; Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; Đẩy mạnh công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông; Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục; Đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục đại học; Tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo; Tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo; Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Để có thể thực hiện được phương hướng và nhiệm vụ đặt ra, ngành giáo dục sẽ tập trung vào 5 giải pháp: Hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính về giáo dục, đào tạo; Nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ quản lý giáo dục các cấp; Tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo; Tăng cường công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục; Đẩy mạnh công tác truyền thông về giáo dục và đào tạo.

Các kiến nghị tại hội nghị tập trung vào một số vấn đề như tăng cường đầu từ cơ sở vật chất, có cơ chế đặc thù với các vùng khó khăn như miền núi, Tây Nguyên; hỗ trợ các địa phương trong việc triển khai đề án công nghệ thông tin, đề án ngoại ngư, tăng cường; phân cấp mạnh hơn nữa, cơ chế tự chủ cho địa phương và các cơ sở giáo dục, có cơ chế bồi dưỡng với giáo viên, giảng viên vùng sâu vùng xa; đẩy mạnh phân luồng hướng nghiệp cho học sinh ngay từ lớp 9; chú trọng đào tạo kỹ năng mềm cho học sinh; đẩy nhanh cơ chế tự chủ tài chính cho các trường đại học để vận hành theo cơ chế thị trường; tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với mục tiêu phát triển của mỗi địa phương; có chính sách tốt hơn thu hút học sinh học nghề.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tưởng Vũ Đức Đam đánh giá, dù còn rất nhiều việc phải làm nhưng công bằng giáo dục đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ các địa phương. Phó Thủ tướng nêu rõ, chúng ta đang trong quá trình đổi mới, mà đã đổi mới thì không thể làm ngay một lúc, sẽ phải có các bước trung gian, không thể toàn vẹn. Vì vậy, cần có sự thống nhất trong quan điểm, sự đồng thuận của báo chí và dư luận xã hội.

Phó Thủ tướng nêu ra ví dụ, khi thực hiện tự chủ đại học liên quan đến tăng học phí. Điều này sẽ tác động tới một bộ phận người nghèo. Vì thế cần nghiên cứu học phí theo đúng xu thế, nên chăng đã miễn học phí cho tiểu học thì trong tương lai sẽ miễn học phí cho THCS. Đó là bước đi cần thiết. Hay với việc dạy thêm, học thêm, dù đã có nhiều nỗ lực những vẫn còn bởi vì hiện nay số trường lớp để đảm bảo cho học sinh học 2 buổi/ngày còn rất thiếu. Từ những ví dụ cụ thể, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Các bước đi không thể thay đổi, triết lý giáo dục không thay đổi, nguyên tắc phù hợp với xu thế thế giới là không thay đổi nhưng phải có sự kiên trì và những bước đi phù hợp”

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nỗ lực  của ngành giáo dục trong năm học 2015-2016, đồng thời chỉ ra một số hạn chế, bất cập cần khắc phục như: Giáo dục phổ thông chưa coi trọng đên giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống, vẫn còn bạo lực học đường, vẫn còn tội phạm vị thành niên. Năng lực ngoại ngữ của học sinh còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập; Khắc phục quá tải chậm, nhiều nội dung học không mang giá trị thực tiễn.Giáo dục đại học, chuyên nghiệp hạn chế, chưa gắn với nhu cầu xã hội, sinh viên ra trường thất nghiệp trong khi đó nhiều doanh nghiệp vẫn thiếu nhân lực cao. Số lượng đại học tăng nhanh nhưng chất lượng chưa đảm bảo yêu cầu. Chất lượng đào tạo thạc sỹ, tiến sĩ hạn chế; công tác quản lý nhà nước về giáo dục còn chậm đổi mới; đầu tư cho giáo dục chưa thật hiệu quả; cơ chế, chính sách tài chính chưa phù hợp; chất lượng và cơ cấu cán bộ, giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu …

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Bước vào năm học mới với những thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn,thách thức, Thủ tướng đề nghị, các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương cần quán triệt sâu sắc, tuyên truyền rộng rãi nội dung các  nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ có liên quan đến giáo dục và đào tạo, để các cấp lãnh đạo, cán bộ, nhà giáo, học sinh, sinh viên và nhân dân hiểu rõ và đồng lòng thực hiện; Các bộ, ban, ngành trung ương cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo, tham mưu xây dựng các cơ chế, chính sách để phát triển giáo dục; Tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế quản lý, chế độ chính sách, đời sống vật chất tinh thần của giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, học sinh, sinh viên; Quan tâm ưu tiên đầu tư cho giáo dục và đào tạo, đặc biệt là nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, vốn ODA và các nguồn khác để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành; Các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương xây dựng, rà soát các chương trình hành động của địa phương thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Tăng cường vai trò quản lý nhà nước và chịu trách nhiệm về phát triển giáo dục và đào tạo ở địa phương; Chấn chỉnh nề nếp, kỷ cương trường học.

Đối với ngành giáo dục, Thủ tướng lưu ý, toàn ngành cần tập trung vào việc triển khai sâu rộng các nhiệm vụ của ngành theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW của Đảng; Rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật còn bất cập, không phù hợp để hoàn chỉnh; Xây dựng các đề án, chương trình nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và phát triển đội ngũ của toàn hệ thống; Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và phương pháp dạy học trong nhà trường; Thực hiện tốt công tác phân luồng và hướng nghiệp cho học sinh phổ thông; Triển khai thực hiện tự chủ đại học; Năng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh; Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục; Tăng cường hội nhập quốc tế; Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội.

Về giáo dục phổ thông, Thủ tướng cho rằng, đây là nền tảng của giáo dục nói chung, vì thế cần đảm bảo chương trình vừa hình thành nhân cách, văn hóa của một công dân trẻ, vừa bảo đảm bảo tính hiện đại, hội nhập, giảm tải nhanh, không nặng về khối lượng, mà phát triển toàn diện văn thể mỹ. Cần dạy cho học sinh biết yêu lịch sử, yêu tổ quốc, yêu đồng bào, biết sống có trách nhiệm trong tập thể, trong xã hội. Chú ý giáo dục thể chất để tạo một thế hệ thanh niên khỏe mạnh, toàn diện. Tạo cơ hội bình đẳng trong tiếp cận giáo dục nhất là vùng sâu, vùng xa.

Về giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp, theo Thủ tướng, cần đảm bảo chất lượng và đáp ứng thị trường lao động, hướng tới xây dựng công dân toàn cầu. Khuyến khích liên kết nhà trường với doanh nghiệp, thị trường lao động. Đẩy mạnh tự chủ đại học một cách thực chất và đồng bộ đi đôi với vai trò người đứng đầu. Cần xác định rõ ràng trách nhiệm xã hội của trường đại học, xây dựng môi trường quản lý lành mạnh, tỏa văn hóa, tỏa giá trị ra ngoài xã hội. Cần quan tâm chất lượng đào tạo, tay nghề thực tế, khẳng định nhất nghệ tinh, nhất thân vinh qua việc tìm việc làm và tạo dựng sự nghiệp cho thế hệ trẻ.

Thủ tướng cũng gửi gắm tới ngành giáo dục câu nói nổi tiếng của Nguyễn Trãi “Nước Đại Việt ta hiền tài chưa bao giờ thiếu. Nhưng tìm cho ra hiền tài chưa bao giờ là việc đơn giản”. Vì vậy, ngành giáo dục cần đặc biệt chú trọng công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài để trước tiên ngành giáo dục phải có nhiều thầy giỏi, nhiều trò giỏi. Việt Nam ta có thêm nhiều người hiền tài để làm rạng danh và sẵn sàng phục vụ đất nước.

“Nhân tài nằm ở bìa rừng, góc núi, đó có thể là các em học sinh nơi miền núi hải đảo, đó là các giáo viên với những sáng tạo đổi mới trong dạy và học, đó có thể là các chuyên gia, những giảng viên đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài… Nhiệm vụ của ngành giáo dục là phải phát hiện được” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tiếp thu các ý kiến góp ý từ các địa phương, các đại biểu tham dự hội nghị, đặc biệt những chia sẻ của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Bộ trưởng cam kết sẽ cùng tòan ngành, các địa phương thực hiện tốt những nhiệm vụ đặt ra để năm học tới những bức xúc sẽ được giải quyết, tạo ra nhiều điểm sáng, đưa giáo dục, đào tạo ngày càng phát triển tương xứng với sự mong đợi của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân.

Trung tâm Truyền thông Giáo dục

Nguồn: http://www.moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-bo.aspx?ItemID=4067